Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Oscar, Nobel, Grammy, sao vàng Michelin, Quả bóng vàng… là những giải thưởng danh giá và uy tín nhất trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Từ những chính khách, các diễn viên, nhà khoa học cho tới đầu bếp, cầu thủ đá bóng… tất cả đều mong muốn một lần được chạm tay vào những giải thưởng cao quý ấy.

Giá trị của những giải thưởng này không chỉ nằm ở vật chất mà nó còn mang giá trị to lớn về tầm ảnh hưởng cũng như sự "bùng nổ" của chủ nhân sau khi nhận giải.
1. Oscar - quà tặng trên trời trong ngành điện ảnh
 Mỗi tác phẩm điện ảnh muốn được tham gia xét duyệt Oscar phải thỏa mãn những điều hết sức ngặt nghèo với sự chấm điểm qua bình chọn của khoảng 6.000 thành viên hội đồng giám khảo. Các bộ phim và cá nhân đạt giải Oscar sẽ được vinh danh bởi một tượng vàng cao quý hình hiệp sĩ cầm gươm đứng trên cuộn phim năm cánh.
Giá trị của tượng vàng Oscar có lẽ là điều không cần phải bàn cãi. Với chiều cao 34cm, nặng 3,85kg với lõi bên trong từ thiếc và đồng, tượng được mạ vàng 24 cara và ngốn tới 20 giờ làm việc liên tục của 12 thợ kim hoàn lành nghề. Tuy giá nguyên liệu chỉ vỏn vẹn có 400 USD (hơn 8,4 triệu đồng) nhưng việc tới gần bức tượng thôi cũng đủ đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Theo ước tính, một bộ phim chỉ cần được đề cử giải Oscar thôi là doanh thu đã tăng thêm khoảng 25 triệu USD (hơn 533 tỷ đồng).
2. Quả bóng vàng - khát khao của mọi cầu thủ bóng đá
Trong bóng đá, Quả bóng vàng (Ballon d’Or) là giải thưởng danh giá nhất một cầu thủ có thể đạt tới. Năm 1956, tạp chí uy tín France Football đề xuất ra giải thưởng này nhằm bình chọn ra cầu thủ xuất sắc nhất trong một năm chơi bóng tại châu Âu.

Tới năm 2010, Quả bóng vàng châu Âu hợp nhất với Cầu thủ xuất sắc nhất của FIFA làm thành Quả bóng vàng FIFA và được trao vào tháng 1 hàng năm.

Để được vinh danh, các cầu thủ phải nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo các Liên đoàn bóng đá, những phóng viên thể thao uy tín nhất cũng như đội trưởng đội tuyển bóng đá các nước.
3. Sao vàng Michelin – danh hiệu cao quý và bí ẩn trong ẩm thực  

Sao vàng Michelin là một thuật ngữ chỉ chất lượng của một nhà hàng được đánh giá bởi các chuyên gia ẩm thực theo mức từ 1 – 3 sao, tương ứng với nhà hàng rất tốt, nhà hàng nấu ăn xuất sắc, đẳng cấp hàng đầu và nhà hàng có nghệ thuật ẩm thực đặc biệt.

Điều lạ là các tiêu chí của quá trình kiểm định và lựa chọn nhà hàng giành sao Michelin đến nay vẫn hoàn toàn tuyệt mật trong 115 năm. Theo đó, những nhà thẩm định sẽ “trà trộn” vào các nhà hàng với tư cách thực khách, âm thầm đánh giá chất lượng món ăn, kết cấu thực đơn, cung cách phục vụ cùng nhiều khía cạnh khác nhau làm nên hoạt động của một nhà hàng. 
4. Grammy – giải thưởng mơ ước của giới ca sỹ
 
Trong âm nhạc, có lẽ khó có giải thưởng nào danh giá và uy tín như Grammy. Lý do có lẽ bởi sự thẩm định cực kỳ nghiêm ngặt và chặt chẽ của hội đồng giám khảo giải thưởng này.
Theo đó, một tác phẩm âm nhạc sau khi được đề cử tham gia Grammy sẽ được 150 chuyên gia trong lĩnh vực nghe nhìn thẩm định. Họ sẽ đề cử ra những ca khúc đủ tiêu chuẩn và chuyển tới hội đồng giám khảo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thu âm.

Hội đồng này tiếp tục trải qua hai vòng bỏ phiếu để chọn ra tác phẩm đạt cúp máy hát vàng danh giá của Grammy. Đặc biệt, trong quá trình chấm giải, giám khảo bị tuyệt đối cấm nhận các loại quà tặng, dù là nhỏ nhất từ bên ngoài. 
5. Pulitzer - những bức ảnh làm nên lịch sử
 

 Pulitzer là giải thưởng danh tiếng dành cho các thành tựu báo chí, trong đó nổi bật nhất là nhiếp ảnh. Các tác phẩm đoạt giải Pulitzer thường là các bức hình gây xúc động mạnh, hàm chứa nhiều ý nghĩa thông điệp nhân văn được lựa chọn bởi hội đồng thẩm định uy tín. Giá trị của giải thưởng này không nằm nhiều về vật chất mà tác động về mặt tinh thần, xã hội đôi khi là vô giá.

Minh chứng rõ nét nhất là bức ảnh "Em bé napalm" là một trong những tác phẩm đạt giải Pulitzer năm 1973. Đây là tác phẩm được nhiếp ảnh gia của AP - Nick Út chụp cảnh trẻ em Việt chạy trốn sau khi bom napalm bị Mỹ thả xuống. Trong đó, đứa trẻ không quần áo chính là Phan Thị Kim Phúc - em bé napalm.

Tấm hình trên góp phần cho cả thế giới thấy tội ác chiến tranh thời bấy giờ. Cũng nhờ tác phẩm này mà phong trào ủng hộ Việt Nam và phản đối chiến tranh lan rộng trên khắp thế giới.
6. Nhân vật của năm – danh hiệu chắp cánh thành công
 


Một điểm thú vị khác của giải thưởng này, đó là các “Nhân vật của năm” thường rất thành công sau khi được vinh danh. Có thể kể tới Charles Augustus Lind, Mahatma Gandhi và mới đây là tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg đều “phất như diều gặp gió” sau khi nhận giải thưởng này.

Chỉ trong một năm sau khi nhận "Nhân vật của năm", doanh thu (riêng quảng cáo) của Facebook do Mark Zuckerberg sáng lập đã tăng gấp gần 4 lần trên toàn cầu, từ 1,86 triệu USD (hơn 39,6 tỷ đồng) lên mức 4,05 triệu USD (hơn 86,3 tỷ đồng).
7. Nobel Hòa bình - giải thưởng vì sự bình yên của toàn nhân loại

Quy trình xét duyệt giải thưởng này diễn ra gắt gao và kéo dài trong ít nhất 8 tháng. Ngay từ đầu năm, một ủy ban đặc biệt được thành lập để chọn ra các ứng viên nhận giải này. Đối tượng lựa chọn thường là các chính khách, giáo sư, quan chức chính phủ… có đóng góp lớn cho hòa bình thế giới.

Danh sách được nộp lên ủy ban vào tháng 2, gồm khoảng hơn 200 ứng cử viên và mỗi người trong số đó đều vượt qua khoảng 1.000 người khác trên khắp thế giới. Tới ngày 10/12, tại tòa thị chính Oslo với sự hiện diện của đức vua Na Uy, Nobel Hòa bình sẽ được trao.

Mỗi giải Nobel này có giá trị lên tới 8 triệu SEK (tương đương hơn 20,4 tỷ đồng) và một khi đã trao, giải sẽ không bao giờ bị tước.
Nguồn: kenh14.vn
Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét